(Xây dựng) - Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cùng đoàn công tác Bộ Xây dựng vừa có buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương, UBND TP Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Công ty CP DAP, Cty CP Thạch cao Đình Vũ, quận Hải An, BQL Khu kinh tế Hải Phòng, tại Trụ sở Nhà máy Phân bón hóa chất DAP Đình Vũ, TP Hải Phòng về việc xử lý bã thải Gyps, tro xỉ của nhà máy này. Kết quả của buổi làm việc sẽ được báo cáo Thủ tướng ngay trong tháng 4.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, thạch cao Đình Vũ phải tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền, thiết bị để nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động chính thức với công suất xử lý được khoảng 1 triệu tấn Gyps/năm.
DAP Đình Vũ thải ra 600.000 tấn Gyps/năm
Dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân bón Diamin phốt phát (DAP) là dự án nhóm A, với tổng mức đầu tư hơn 172 triệu USD, có diện tích 72 ha, gồm 4 nhà máy chính: Nhà máy sản xuất DAP, công suất 330.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất Acid Sulfuric (H2SO4), công suất hơn 410.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất Acid Phốtphoric (H3PO4), công suất hơn 160.000 tấn/năm; và Nhà máy điện lò hơi, công suất 35 tấn/giờ, dùng than cám 5 theo công nghệ tuần hoàn tầng sôi.
Dự án khởi công từ cuối tháng 7/2003, đến tháng 4/2009 đã sản xuất thành công sản phẩm phân bón DAP và được Thủ tướng Chính phủ về thăm, công bố tấn sản phẩm phân bón phức hợp cao cấp lần đầu tiên sản xuất tại Việt Nam; đến ngày 30/8/2022 chính thức nghiệm thu dự án. Đến nay, nhà máy sản xuất ổn định, liên tục cấp phân bón ra thị trường, góp phần ổn định giá phân bón, giảm lượng phân bón nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực.
Trong quá trình sản xuất phân bón, nhà máy phát sinh ra hai chất thải rắn là bã thải thạch cao từ nhà máy sản xuất Acid Phốtphoric và tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện. Mỗi năm nhà máy phát thải khoảng 600.000 tấn bã thạch cao. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, khối lượng bã thải của nhà máy này khoảng 3 triệu tấn.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam dẫn đầu đang khảo sát và thực địa tại Nhà máy xử lý bã thải Gyps của Thạch cao Đình Vũ.
Mặc dù bãi chứa bã thải thạch cao của DAP Đình Vũ đã được đầu tư cùng giai đoạn đầu tư xây dựng nhà máy, nền đất cắm bấc thấm hút chân không, xung quanh đóng cọc bùn sâu 18m, đê bao đắp đất, phía trong thân đê bọc 0,3m đất sét, phái ngoài xây kè đá 0,25m, có hồ thu nước axit dư,… Thế nhưng, đoàn công tác không khỏi giật mình khi quan sát thấy bãi chứa chất thải này từ xa, nằm sát QL5 và cao ngất ngưởng như một ngọn núi.
Sau khi đoàn làm việc có buổi khảo sát và thực địa Nhà máy sản xuất thạch cao Đình Vũ để có được những đánh giá sơ bộ về dây chuyền sản xuất thạch cao nhân tạo từ bã thải Gyps của DAP Đình Vũ, nghe báo cáo đánh giá của các bên liên quan, đặc biệt là giữa TCty Xi măng Việt Nam (Vincem), Cty CP DAP Đình vũ và Cty CP Thạch cao Đình Vũ, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá, cái đáng quý là Cty CP Thạch cao Đình Vũ nghiên cứu thành công và cho ra được dây chuyền, thiết bị, công nghệ cụ thể, sản xuất ra được sản phẩm và bắt đầu đánh giá được hiệu quả cụ thể hoạt động của dây chuyền.
Mở rộng công suất xử lý bã thải Gyps 1 triệu tấn/năm
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, không nên đợi chờ dự án đầu tư xử lý chất thải Gyps khác thêm nữa, việc xử lý bãi thải Gyps đã trở nên bức thiết và đã có doanh nghiệp tự bỏ tiền ra làm và dày công nghiên cứu trong nhiều năm để cho ra được những sản phẩm đầu tiên. Thứ nhất, Cty CP Thạch Cao Đình Vũ đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng nên chính họ thấy được sự sống còn của mình. Theo đó, Thạch cao Đình Vũ phải tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền, thiết bị để nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động chính thức và cũng phải tính luôn việc lập dự án đầu tư mở rộng nhà máy để nhân các dây chuyền này lên. Ít nhất là phải xử lý được khoảng 1 triệu tấn/năm. Để vừa xử lý được 600.000 tấn phát sinh, thì mỗi năm xử lý thêm được 400.000 tấn nữa để xử lý đống bãi thải hiện có trong 10 năm.
Bãi thải Gyps của DAP Đình Vũ nằm sát QL5.
Thứ hai, đề nghị DAP Đình Vũ và Vincem góp vốn đầu tư vào Thạch cao Đình Vũ. Thay vì bỏ ra khoảng 50 tỷ để làm 30 ha bãi đổ bã thải thì DAP Đình Vũ nên dùng số tiền đó làm vốn góp tại Thạch cao Đình Vũ. Vincem cũng nên góp vào đây khoảng 30-50 tỷ đồng… Trên tinh thần, DAP hay Vincem không cần phải giữ cổ phần chi phối. Tỷ lệ thích hợp mà Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đưa ra là Cty CP Sông Đà Cao Cường chiếm khoảng 55-65%, còn lại là Vincem và DAP nắm giữ, nhằm đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo đầu ra đầu vào cho sản phẩm, đồng thời giúp DN kiểm soát được chất lượng thạch cao nhân tạo.
Thứ ba, trách nhiệm của Thạch cao Đình Vũ là phải chủ động tìm hiểu thị trường, chào hàng vào các DN sản xuất xi măng trên toàn quốc, trước mắt là các DN nằm phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… Thạch cao nhân tạo phải đảm bảo chất lượng nhưng giá phải rất cạnh tranh.
Thứ tư, Sở TN&MT và các cơ quan chuyên ngành TP Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất và chất thải của các DN phù hợp với đánh giá báo cáo tác động môi trường.
Thứ năm, đề nghị DAP góp cổ phần vào Thạch cao Đình Vũ đồng thời xây dựng hệ thống băng tải, đường ống dẫn chất thải trực tiếp sang nhà máy xử lý chất thải để hỗ trợ Thạch cao Đình Vũ giảm chi phí vận chuyển bã thải.
Được biết, trong thời gian sản xuất thử nghiệm, DAP Đình Vũ bán bã thải Gyps cho Thạch cao Đình Vũ với giá 10.000 đồng/tấn và đơn vị này cũng đang nắm giữ khoảng 10% cổ phần tại Thạch cao Đình Vũ.
Trước khi có kết luận chính thức của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam về buổi khảo sát và thực địa của đoàn công tác tại Thạch cao Đình Vũ và DAP Đình Vũ, đại diện UBND TP Hải Phòng, Bộ Công Thương cũng như Sở KH&CN Hải Phòng, Sở TN&MT Hải Phòng đều có những đánh giá tích cực về định hướng phát triển của Thạch cao Đình Vũ đồng thời đồng tình ủng hộ việc nhanh chóng đưa nhà máy này vào hoạt động chính thức và mở rộng mặt bằng nhà máy, để đưa công suất xử lý bã thải Gyps lên 1 triệu tấn/năm.
Theo các cơ quan này, thời gian vừa qua, TP Hải Phòng liên tục phải đối mặt với những câu hỏi của cử tri về vấn đề môi trường liên quan đến các nhà máy sản xuất hóa chất, nhà máy nhiệt điện trên địa bàn TP, ngay cả khi một số nhà máy này không nằm gần khu dân cư.
Thạch cao nhân tạo sử dụng trong sản xuất VLXD như: phụ gia xi măng, gạch nhẹ chưng áp, khuôn cho ngành gốm sứ, sản xuất tấm thạch cao… Hiện Cty CP Thạch cao Đình Vũ đã đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng đến 85% với 7.000 m2 nhà xưởng, 2 dây chuyền sản xuất thạch cao có khả năng xử lý 200.000 tấn Gyps/năm, 1 hệ thống sấy với công suất 75.000 tấn sản phẩm thạch cao vê viên/năm. Bước đầu, Thạch cao Đình Vũ đã cung cấp cho Cty CP Vicem Bút Sơn 300 tấn thạch cao nhân tạo dạng viên và một số cty xi măng khác 1.000 tấn thạch cao nhân tạo dạng ẩm và dạng viên.
Tổng truy cập: 524.981
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ CAO CƯỜNG - PHÒNG KINH DOANH
Tel: 0906.262.100 Mr. Nguyễn Ngọc Tuấn
Kho sản phẩm tại Hà Nội: KCN Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, Việt Nam
Nhà máy sx vữa khô trộn sẵn - keo ốp lát | Nhà máy sx gạch nhẹ chưng áp AAC | Nhà máy tuyển tro bay
Địa chỉ nhà máy: Km 28+100m, quốc lộ 18, phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam
Website: www.vuakho.vn, www.facebook.com/vuakhotronsan